Vận động thường xuyên được khuyến cáo, nhằm giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe, tăng cường bảo vệ trước các bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, ung thư và các bệnh lý không lây nhiễm khác. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy lợi ích của vận động. Vận động cường độ cao hơn, tần suất nhiều hơn thì lợi ích mang lại càng nhiều. Thậm chí bàn làm việc nâng – hạ (sit – standing desk) đã được thiết kế và có mặt trên thị trường nhằm mục đích hỗ trợ giới nhân viên văn phòng cải thiện hoạt động thể chất và giảm bớt sự tĩnh tại ngay cả khi đang làm việc 1, 2. Bằng chứng đồ sộ đến thế, khuyến cáo vận động có mặt trong nhiều hướng dẫn điều trị nhiều đến thế, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng mới cho thấy không phải ai cũng có thể hưởng lợi từ việc vận động thể chất. Một số nhóm người không những không được hưởng lợi từ việc vận động, trái lại còn làm tăng nguy cơ của một số bệnh lý.
Bằng chứng về những bất lợi của vận động
Nguy cơ sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức
Một nghiên cứu sử dụng dữ liệu đăng kiểm, với hơn 7000 người trưởng thành ở Na-uy nhằm đánh giá thói quen vận động với nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ và sa sút trí tuệ khi về già. Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí The Lancet Regional Health – Europe tháng 11 năm nay3.
Sở dĩ nghiên cứu được tiến hành do một số bằng chứng cho thấy công việc yêu cầu thể chất cao có liên quan đến nguy cơ sa sút trí tuệ 4 – 6. Cụ thể, nghiên cứu của Nabe – Nielsen và cộng sự cho thấy nam giới cần hoạt động thể chất nhiều do yêu cầu nghề nghiệp có nguy cơ sa sút trí tuệ vào độ tuổi 40 – 59 tăng 48% so với nam giới làm công việc có tính chất tĩnh tại [4]. Một nghiên cứu bệnh chứng cũng cho thấy công việc có yêu cầu thể chất càng cao khi ở độ tuổi 20, 40 và 50 có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer khi về già [6]. Do vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) đã đưa ra hướng dẫn vận động và công việc tĩnh tại, với những khuyến cáo cân nhắc về nghịch lý vận động và kêu gọi tiến hành các nghiên cứu về vận động lúc rảnh rỗi và vận động do yêu cầu công việc đối với sức khỏe7.
Quay trở lại với bằng chứng mới được công bố trên tạp chí The Lancet Regional Health – Europe tháng 11 năm nay, nghiên cứu bao gồm 7005 người tham gia (trong đó nữ giới chiếm 49.8%) từ nghiên cứu HUNT4+ 70. HUNT 4+ 70 bao gồm dữ liệu của những cá nhân có độ tuổi từ 70 – 105 tuổi. Dữ liệu về mức độ hoạt động thể chất theo yêu cầu công việc và kết quả đánh giá nhận thức của người tham gia nghiên cứu được thu thập ở ít nhất 2 thời điểm: 1 thời điểm trước tuổi 50 và 1 thời điểm sau tuổi 50. Hoạt động thể chất do yêu cầu công việc được xác định theo định nghĩa “hoạt động thể chất thông thường cần sử dụng cánh tay, chân và di chuyển toàn bộ cơ thể chẳng hạn như leo, nâng, thăng bằng, đi bộ, cúi mình và trao vật chất. Mức độ hoạt động được đánh giá theo thang điểm từ 1 – 5, điểm càng cao gợi ý mức độ hoạt động thể chất càng nhiều. Nhóm nghiên cứu xác định 4 phân nhóm của hoạt động thể chất do yêu cầu công việc theo thứ tự: thấp ổn định, tăng sau đó giảm, trung bình ổn định và cao ổn định. Nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ và sa sút trí tuệ được đánh giá trong khoảng thời gian 2017 – 20193.
Mức độ hoạt động trung bình của những người tham gia nghiên cứu trên thang điểm 1 – 5 là 3.063. Trong số 7005 người tham gia nghiên cứu, có 902 người tham gia nghiên cứu được chẩn đoán sa sút trí tuệ và 2407 người tham gia nghiên cứu được chẩn đoán suy giảm nhận thức nhẹ. Kết quả đánh giá sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức theo từng phân nhóm hoạt động thể chất được thể hiện trong bảng 1.
Bảng 1. Sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức theo từng phân nhóm
Theo kết quả của mô hình phân tích hiệu chỉnh, người tham gia nghiên cứu có hoạt động thể chất do yêu cầu công việc cao ổn định có nguy cơ sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức cao hơn có ý nghĩa. Những người hoạt động thể chất do yêu cầu công việc trung bình ổn định có nguy cơ sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức cao hơn có ý nghĩa so với nhóm thấp ổn định3.
Như vậy, nghiên cứu mới này đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy hoạt động thể chất do yêu cầu công việc mức độ trung bình ổn định hoặc cao ổn định có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.
Nguy cơ tim mạch
Nhiều bằng chứng được tiến hành ở Châu Âu và Châu Á đã cho thấy tác động trái ngược đối với sức khỏe tim mạch của hoạt động thể chất do yêu cầu công việc và hoạt động thể chất khi nhàn rỗi. Nghiên cứu của Quinn và cộng sự được tiến hành trên 16,974 người tham gia nghiên cứu của dữ liệu National Health Interview Survey nhằm đánh giá tác động của hoạt động thể chất do yêu cầu công việc trên sức khỏe tim mạch8. Người tham gia nghiên cứu tự báo cáo về hoạt động thể chất tổng cộng do yêu cầu công việc, hoạt động quá mức do yêu cầu công việc, đứng và đi do yêu cầu công việc và hoạt động thể chất khi nhàn rỗi. Báo cáo được đánh giá dựa trên thang điểm Likert 5 (0 = không bao giờ, 4 = luôn luôn).8
Kết quả cho thấy đối với, hoạt động thể chất do yêu cầu công việc, hoạt động quá mức do yêu cầu công việc hoặc đứng và đi do yêu cầu công việc, nhóm người có thang điểm “luôn luôn” có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn có ý nghĩa so với những người có thang điểm “không bao giờ”. Khi chỉ tiến hành phân tích trên những đối tượng không bao giờ hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn có ý nghĩa ở nhóm người “luôn luôn” hoạt động thể chất do yêu cầu công việc, hoạt động quá mức do yêu cầu công việc so với nhóm “không bao giờ”8.
Bàn luận
Hoạt động thể chất khi nhàn rỗi mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng khi hoạt động thể chất tại nơi làm việc, ảnh hưởng của vận động đến sức khỏe lại trái ngược. Cơ chế cụ thể giải thích vì sao hoạt động thể chất do tính chất công việc yêu cầu vẫn chưa được hiểu rõ và cần các nghiên cứu chứng minh. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, hoạt động thể chất do công việc yêu cầu có liên quan đến việc làm giảm dung tích hồi hải mã và làm giảm hiệu suất ghi nhớ1. Những bằng chứng về tác động tiêu cực đối với sức khỏe của hoạt động thể chất do yêu cầu công việc cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển các chiến lược phòng ngừa sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức cho những cá nhân thực hành trong lĩnh vực có yêu cầu thể chất.
Tài liệu tham khảo
- Marilynn Larkin. Not All Exercise Is Beneficial: The Physical Activity Paradox Explained. Medscape. Updated 27 Nov 2023. Accessed date 30 Nov. URL: https://www.medscape.com/viewarticle/998772#vp_2
- Ma J, Ma D, Li Z, Kim H. Effects of a Workplace Sit-Stand Desk Intervention on Health and Productivity. Int J Environ Res Public Health. 2021 Nov 4;18(21):11604. doi: 10.3390/ijerph182111604.
- Ekaterina Zotcheva, Bernt Bratsberg, Bjørn Heine Strand et al. Trajectories of occupational physical activity and risk of later-life mild cognitive impairment and dementia: the HUNT4 70+ study. The Lancet Regional Health – Europe. 2023;34:100721
- K. Nabe-Nielsen, A. Holtermann, F. Gyntelberg, et al. The effect of occupational physical activity on dementia: results from the Copenhagen Male Study Scand J Med Sci Sports,. 2021;31(2):446-455
- S. Rovio, I. Kareholt, M. Viitanen, et al. Work-related physical activity and the risk of dementia and Alzheimer’s disease Int J Geriatr Psychiatry. 2007;22(9):874-882
- K.A. Smyth, T. Fritsch, T.B. Cook, M.J. McClendon, C.E. Santillan, R.P. Friedland Worker functions and traits associated with occupations and the development of AD Neurology. 2004;63(3):498-503
- World Health Organization WHO guidelines on physical activity and sedentary behaviour (2020)
- Quinn TD, Yorio PL, Smith PM, et alOccupational physical activity and cardiovascular disease in the United StatesOccupational and Environmental Medicine. 2021;78:724-730.