Virus hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus – RSV) gây ra nhiều gánh nặng bệnh tật cho nhũ nhi. Ước tính có khoảng 1.4 triệu nhũ nhi < 6 tháng tuổi phải nhập viện liên quan đến RSV, trong đó có tới 45,700 trường hợp tử vong [1]. Ở Hoa Kỳ, RSV là nguyên nhân hàng đầu khiến nhũ nhi phải nhập viện, trong đó nhũ nhi < 6 tháng tuổi chiếm 2 – 3%. Vào năm 2023, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp thuận nirsevimab, một kháng thể đơn dòng có tác động kéo dài, cho chỉ định ở nhũ nhi. Khoảng 1 tháng sau đó, FDA tiếp tục chấp thuận vaccine RSV đầu tiên cho phụ nữ mang thai [2].
Vaccine RSV mới RSVPreF3 cho mẹ
Một vaccine phòng ngừa RSV mới đang được nghiên cứu cho chỉ định ở phụ nữ mang thai – RSVPreF3-Mat. Thử nghiệm pha 3 đánh giá hiệu lực và tính an toàn của vaccine này ở phụ nữ mang thai vừa được công bố trên tạp chí The New England Journal of Medicine. Phụ nữ mang thai tham gia nghiên cứu có độ tuổi 18 – 49. Tổng cộng có 5328 phụ nữ mang thai (với 5233 nhũ nhi) được phân ngẫu nhiên với tỷ lệ 2:1 để được tiêm vaccine phòng ngừa RSV hoặc giả dược trong thời gian từ từ 24 tuần – 34 tuần thai. Tiêu chí đánh giá chính của nghiên cứu là bệnh đường hô hấp dưới liên quan đến RSV ở nhũ nhi < 6 tháng tuổi và tính an toàn ở nhũ nhi < 12 tháng tuổi.
Kết quả cho thấy có lần lượt 0.46% và 1.4% nhũ nhi mắc bệnh đường hô hấp dưới liên quan đến RSV ở nhóm mẹ được phòng ngừa RSV bằng vaccine RSV và giả dược (hiệu lực vaccine 65.5%). Tỷ lệ nhũ nhi mắc bệnh đường hô hấp dưới nghiêm trọng liên quan đến RSV ở 2 nhóm RSV vaccine và giả dược lần lượt là 0.23% và 0.82% (hiệu lực vaccine 69.0%). Nghiên cứu cho thấy vaccine phòng ngừa RSV ở phụ nữ mang thai có hiệu lực. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh non cao hơn có ý nghĩa ở nhóm mẹ được tiêm vaccine RSV hơn nhóm giả dược [3]. Cụ thể là 6.8% và 4.9%. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao hơn ở nhóm mẹ được phòng ngừa bằng vaccine RSV so với nhóm giả dược (0.4% và 0.2%), tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa. Do vậy, công tác phát triển vaccine RSVPreF3-Mat đã bị ngưng.
Trong dân số nghiên cứu, sự khác biệt về tỷ lệ sinh non giữa nhóm vaccine RSV và giả dược được quan sát giữa các quốc gia có thu nhập thấp – trung bình và các quốc gia có thu nhập cao. Cụ thể tỷ lệ sinh non ở quốc gia có thu nhập thấp – trung bình cao hơn so với quốc gia có thu nhập cao, tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa. Đồng thời, sự khác biệt này giữ các nhóm quốc gia về tỷ lệ sinh non cũng được quan sát trong thời kỳ đặc biệt, với sự khác biệt cao nhất được quan sát trong giai đoạn bùng phát của biến thể SARS-CoV-2 B.1.617.2 (delta). Tuy nhiên, mối liên hệ giữa sinh non và nhiễm SARS-CoV ở phụ nữ mang thai không được xác định.
Siêu âm trong thời kỳ tam cá nguyệt đầu tiên là phương pháp chính xác nhất để xác định tuổi thai. Có tới 45% phụ nữ mang thai trong nghiên cứu không được làm xét nghiêm này, dẫn đến sinh non. Tuy nhiên, phân loại sai tuổi thai có khả năng xảy ra ở cả 2 nhóm tiêm vaccine RSV và giả dược, do vậy, xác định sai tuổi thai không được xem là nguyên nhân cho sự khác biệt về tỷ lệ sinh non giữa 2 nhóm nghiên cứu.
Sự khác biệt giữa vaccine RSVPreF3 và vaccine đã được FDA chấp thuận
Vaccine đã được FDA chấp thuận là vaccine RSV nhị giá và RSVPreF3 là vaccine đơn giá, các đặc điểm còn lại của 2 vaccine là tương tự nhau. Vaccine RSV nhị giá được nghiên cứu qua thử nghiệm lâm sàng pha 3, ở phụ nữ mang thai trong thời gian từ tuần thai 24 – 36. Trong 6 tháng đầu tiên sau sinh, hiệu lực của vaccine được quan sát là 69.4% đối với bệnh đường hô hấp dưới nghiêm trọng liên quan đến RSV [4]. Tỷ lệ sinh non ở nhóm vaccine RSV và giả dược lần lượt là 5.7% và 4.7% (khác biệt không có ý nghĩa). Đa số các trường hợp sinh non đều xảy ra muộn (tuần thai 34 – < 37) và xảy ra sau 30 ngày kể từ khi tiêm vaccine. Lo ngại về vấn đề sinh non, FDA khuyến cáo chỉ định cho vaccine phòng ngừa RSV nhị giá cho phụ nữ mang thai trong tuần thai 32 – 36 tuần lẻ 6 ngày.
Bàn luận
Bằng chứng an toàn của vaccine RSVPreF3 đã được kiểm chứng qua phân tích hậu kiểm, tuy nhiên nhóm nghiên cứu vẫn chưa thể xác định được cơ chế dẫn đến sinh non ở nhóm tiêm phòng vaccine RSVPreF3. Tuy nhiên, kể cả đối với vaccine RSVPreF3 hay vaccine RSV nhị giá, luôn có sự chênh lệch về tỷ lệ sinh non giữa nhóm phòng ngừa bằng vaccine RSV và giả dược. Do vậy, cần đánh giá kỹ lưỡng lợi ích và nguy cơ khi tiêm phòng RSV cho phụ nữ mang thai [5].
Tài liệu tham khảo
- Li Y, Wang X, Blau DM, et al. Global, regional, and national disease burden estimates of acute lower respiratory infections due to respiratory syncytial virus in children younger than 5 years in 2019: a systematic analysis. Lancet 2022;399:2047-64
- Fleming-Dutra KE, Jones JM, Roper LE, et al. Use of the Pfizer respiratory syncytial virus vaccine during pregnancy for the prevention of respiratory syncytial virus-associated lower respiratory tract disease in infants: recommendations of the Advisory Committee on Immunization Practices — United States, 2023. MMWR Morb Mortal Wkly Rep 2023;72:1115-22.
- Dieussaert I, Hyung Kim J, Luik S, Seidl C, Pu W, Stegmann JU, Swamy GK, Webster P, Dormitzer PR. RSV Prefusion F Protein-Based Maternal Vaccine – Preterm Birth and Other Outcomes. N Engl J Med. 2024 Mar 14;390(11):1009-1021. doi: 10.1056/NEJMoa2305478.
- Kampmann B, Radley D, Munjal I. Bivalent prefusion F vaccine in pregnancy to prevent RSV illness in infants. N Engl J Med 2023;389:1053-5
- Rasmussen SA, Jamieson DJ. Maternal RSV Vaccine – Weighing Benefits and Risks. N Engl J Med. 2024 Mar 14;390(11):1050-1051. doi: 10.1056/NEJMe2401072. PMID: 38477994.